Lịch sử thành lập Incomda

Năm 2003: Các nghiên cứu và đánh giá về mô hình điện toán đám mây của Amazon và Google

Trong một đề tài nghiên cứu của nhóm các thành viên dẫn đầu là Nguyễn Xuân Hiển (founder của Incomda hiện tại) và cộng sự tại Đại Học Kinh Tế TP Hồ Chí Minh; nghiên cứu nói về một mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin là Điện toán đám mây (Cloud Computing) đang được Amazon và Google theo đuổi. Các tác giả tập trung vào phân tích về những lợi ích, đặc điểm và tương lai của Điện toán đám mây dựa trên các tài liệu có được từ Salesforce, Google, Microsoft, Amazon, IBM và một số nguồn tài liệu khác. Nhóm tác giả đã đầu tư nhiều cho đề tài nghiên cứu của mình, mặc dù vậy, đề tài đã không nhận được đánh giá cao của hội đồng giám khảo tại thời điểm đó. Sau này, trong một bài chia sẻ năm 2014, nhóm tác giả chia sẻ rằng đề tài nghiên cứu kinh tế đã chọn chủ đề về công nghệ và là một mô hình hoàn toàn mới chưa phổ biến trên thế giới và chưa từng xuất hiện tại Việt Nam, khi đó các khái niệm về Cloud Computing còn mơ hồ nên rất khó để thuyết phục ban giám khảo là nhà kinh tế học.

Về sau, năm 2005 nhóm tác giả có mong muốn ứng dụng vào thực tiễn đề tài nghiên cứu kinh tế của mình. Họ đã biên soạn thành một kế hoạch kinh doanh dựa theo các phân tích trước đó. Trong dự án kinh doanh này, không phải là thiết kế ra sản phẩm hay nền tảng điện toán đám mây mà là khai thác và thương mại hóa dựa trên nền tảng điện toán đám mây đang được các nhà cung cấp lớn xây dựng. Họ đã tìm cách tiếp xúc nhằm thuyết phục một số nhà đầu tư vốn để triển khai mô hình kinh doanh của họ. Sau vài lần tiếp cận, nhóm tác giả không nhận được mức đầu tư như mong muốn, dự án đang đi vào bế tắc và nhóm có nguy cơ tan rã.

Năm 2006: Sản phẩm thương mại đầu tiên về Cloud từ Google được phát hành.

Mặc dù Google Apps là giải pháp của Google, nhưng việc Google tung ra sản phẩm điện toán đám mây thử nghiệm của mình vào năm 2006 lại là bước ngoặt quan trọng đối với nhóm tác giả nghiên cứu. Nó đã chứng minh các tuyên bố của Google trước đó (được đề cập trong đề tài) nay đã xuất hiện trong thực tế. Điều này khẳng định rằng: Google đã thực sự nghiêm túc khi tuyên bố sẽ theo đuổi mô hình điện toán đám mây.

Tại thời điểm này nhóm làm đề tài chỉ còn 02 thành viên là vẫn tiếp tục theo đuổi dự án trong đó có Nguyễn Xuân Hiển. Hai người đã đăng ký trở thành các cộng tác viên hỗ trợ kỹ thuật Google Apps miễn phí cho người dùng. Từ đó, họ có cơ hội được mời tham dự nhiều hội thảo về điện toán đám mây do Google tổ chức dành cho nhà phát triển và cho cộng đồng công nghệ thông tin.

Trong giai đoạn từ 2006 trở về sau, hàng loạt các hãng gồm Google, Amazon, Microsoft, Salesfore, IBM, VMware… đã bắt đầu tiến vào chặng đua công nghệ mới: Điện toán đám mây. Họ đã đầu tư hàng nhiều tỷ USD cho các trung tâm dữ liệu của họ. Những phân tích trước đó về tiềm năng của mô hình này không còn là lý thuyết trên giấy và những phát biểu suông của các đại gia công nghệ nữa mà thực sự đã hiện diện trong thực tế. Cloud Computing đã không phải là trò chơi hay bánh vẽ. Nó là hiện thực.

21 tháng 2 năm 2008: Thành lập Incomda Corporation

Sở kế hoạch và đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Incomda Corporation ngày 21 tháng 2 năm 2008. Tại thời điểm này, Google Apps for Business đã đạt được 1 triệu khách hàng trên toàn thế giới và Google là công ty duy nhất sở hữu bộ ứng dụng điện toán đám mây tuyên bố cạnh tranh với bộ ứng dụng Microsoft Office đã có hàng trăm triệu khách hàng trước đó. Khi đó Google đang muốn nhanh chóng tiếp cận các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn cầu và trong đó có Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng. Họ cần hợp tác với những đối tác địa phương am hiểu về kỹ thuật và có thể giúp họ tiếp cận và cung cấp dịch vụ mới tới hàng triệu người dùng tại Việt Nam.

Năm 2010: Trở thành đối tác được ủy quyền của Google về giải pháp điện toán đám mây

Trong hơn 2 năm kể từ khi thành lập pháp nhân, Incomda chỉ tập trung vào xây dựng đội ngũ, nghiên cứu thị trường, và hoàn tất các chứng chỉ chuyên gia triển khai, bán hàng theo yêu cầu của Google để đủ điều kiện pháp lý trở thành đối tác được chứng nhận của hãng về giải pháp điện toán đám mây bao gồm bộ ứng dụng Google Apps for Business (nay là Google Workspace) và nền tảng Google Cloud Platform. Ngày 15 tháng 10 năm 2010, Incomda Corporation chính thức vượt qua kỳ xét duyệt tín dụng của Google và được chứng nhận là đối tác chính thức đầu tiên của Google tại Việt Nam.

Năm 2015: Dành huy hiệu đối tác xuất sắc của Google tại khu vực Châu Á

Sau 5 năm triển khai, Đến năm 2015, Incomda có 5 năm liên tiếp có tốc độ tăng trưởng doanh thu trên 100% mỗi năm và dành huy hiệu đối tác bền vững, đạt thành tích xuất sắc tại khu vực Châu Á. Chúng tôi chỉ với 15 kỹ thuật viên, đã phục vụ khách hàng tại 14 quốc gia; quản lý  và hỗ trợ kỹ thuật từ xa cho hơn 30 nghìn người dùng tại 70 nước trên thế giới.

Năm 2017: Trở thành đối tác cung cấp giải pháp điện toán đám mây cấp 1 (CSP Tier 1) của Microsoft

Năm 2017, Incomda Corporation vinh dự trở thành đối tác cung cấp giải pháp điện toán đám mây cấp 1 của Microsoft. Ở thời điểm này, Incomda là 1 trong 3 đối tác đầu tiên nhận được huy hiệu CSP Tier 1 do Microsoft chứng nhận.

Năm 2018: Chúng tôi vẫn tiếp tục đi trên con đường đã xuất phát từ 15 năm trước và luôn đồng hành cùng khách hàng yêu quý của chúng tôi.

Ngày hôm nay, chúng tôi vẫn đang tiếp tục bước đi trên con đường của mình và vẫn là một đội những kỹ thuật viên thầm lặng hỗ trợ các khách hàng của chúng tôi tận dụng được lợi thế công nghệ mà họ đã từng biết đến: Điện toán đám mây.